Trích sách "Nghiệp và Kết Quả" trang 390 - TT.TS. Thích Chân Quang
Đức Phật đã tán thán công đức của việc truyền bá sự tin hiểu luật Nghiệp Báo qua ẩn dụ sau đây.
Một Bà La Môn hỏi Phật :
“Có một ai không phải đạo Phật đã được sinh Thiên chưa?”
Đức Phật trả lời :
“Chín mươi mốt kiếp qua ta chưa từng thấy một ngoại đạo nào được sinh Thiên, chỉ trừ một người, vì người này hay tuyên giảng về Nghiệp Báo.”
Qua mẫu đối thoại trên, Đức Phật đã xác nhận rằng công đức của việc truyền bá sự tin hiểu về luật Nghiệp Báo vô cùng lớn lao.
Chúng ta bố thí một số tiền cho người nghèo, có thể giúp cho người ấy sống lây lắt qua vài ngày, vài tháng. Nhưng một khi chúng ta giúp cho họ tin hiểu luật Nghiệp Báo một cách VỮNG CHẮC SÂU SẮC, thì cuộc đời họ sẽ thay đổi tận gốc rễ. Họ sẽ biết tránh tội làm phước, và hạnh phúc sẽ đến với họ từ kiếp này sang kiếp khác.
Cái lợi ích của việc truyền đạt sự tin hiểu luật Nghiệp Báo so với cái lợi ích của việc bố thí tài vật là hoàn toàn không thể so sánh.
Lợi ích của bố thí chỉ tồn tại vài ngày trong khi lợi ích của việc giáo dục Nghiệp Báo tồn tại vô hạn. Cái khuynh hướng đạo đức trong tâm hồn họ sẽ kéo dài từ đời này sang đời khác và càng lúc càng nảy nở mạnh hơn. Lợi ích của họ LỚN LAO thế nào, BỀN BỈ ra sao thì cái phước của người truyền đạt sự tin hiểu Nghiệp Báo cũng to tát và miên viễn chừng nấy.
Nếu người kia, sau khi tin hiểu Nghiệp Báo, làm được một việc phước thiện, thì người truyền đạt đương nhiên hưởng được một phần ba công đức đó. Nói như vậy không có nghĩa là người hành động chỉ còn hai phần ba công đức. Họ vẫn hưởng trọn vẹn công đức của việc làm từ thiện, nhưng người giáo dục cho họ tự nhiên được hưởng một phần công đức do công lao giáo dục. Công đức không giống như tiền. Tiền phải bị hao khi phải chia sẻ. Công đức không bị hao khi chia sẻ. Nó giống như lửa, dù được mồi từ ngọn đuốc này sang ngọn đuốc khác, ngọn lửa ban đầu vẫn không bị giảm bớt chút nào.