Đầu Xuân năm 2007, được biết Nhà Xuất bản Văn Nghệ đã tiêu thụ hết đợt phát hành cuối cùng của Hồi ký Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi, và không có ý định tái bản tác phẩm nầy nữa trong một tương lai gần, chúng tôi, một nhóm thân hữu của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, đã liên lạc với gia đình của tác giả để xin tái bản tác phẩm nầy dưới dạng điện tử. Và đã được gia đình tác giả chấp thuận với một số yêu cầu về tác quyền và biên tập.
Đầu Xuân năm 2007, được biết Nhà Xuất bản Văn Nghệ đã tiêu thụ hết đợt phát hành cuối cùng của Hồi ký Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi, và không có ý định tái bản tác phẩm nầy nữa trong một tương lai gần, chúng tôi, một nhóm thân hữu của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, đã liên lạc với gia đình của tác giả để xin tái bản tác phẩm nầy dưới dạng điện tử. Và đã được gia đình tác giả chấp thuận với một số yêu cầu về tác quyền và biên tập.
Về nội dung, không có một thay đổi nào trong Ấn bản Điện tử (so với ấn bản giấy 1993) ngoại trừ thêm một số hình ảnh của tác giả; và ở Phụ Lục E, 10 Bài Đọc Thêm, chúng tôi thêm một lá thư của tướng Dương Văn Minh và một bài viết về Tướng Trình Minh Thế để làm sáng tỏ một số bí ẩn lịch sử được nhắc đến trong Hồi ký.
Về hình thức, có ba thay đổi trong quá trình cập nhật lại tác phẩm nầy:
(a) Sửa lại các lổi chính tả và đánh máy. Với tổng số lượng gần 750,000 từ của toàn bộ tác phẩm, đây là một nỗ lực liên tục nhưng chắc vẫn còn khiếm khuyết ngay cả trong ấn bản điện tử nầy.
(b) Sửa và thêm các đại danh từ (cụ, ông, bác, anh, ...) và những chức vụ (phó tổng thống, thiếu tá, giáo sư, nhà văn, ...) trước tên riêng của các nhân vật. Tùy ngữ cảnh và bối cảnh của mỗi tình huống, chúng tôi chọn đại danh từ/chức vụ nào mà chúng tôi nghĩ rằng phù hợp nhất. Mặt khác, có một số nhỏ đại danh từ và chức vụ không cần thiết, thì chúng tôi cũng đã quyết định bỏ đi.
(c) Ba từ “Công giáo”, “Kitô giáo” và “Thiên Chúa giáo” đã là một vấn nạn khó tạo được sự đồng thuận trong cách sử dụng. Do đó, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, trên nền không-thời-gian lịch sử mà Hồi ký chủ yếu được xây dựng (là chế độ Ngô Đình Diệm), chúng tôi quyết định thống nhất hầu hết các từ nầy thành từ “Công giáo” như chính những giáo hữu Việt Nam, trong giai đọan đó cũng như kể cả bây giờ, đã gọi Công giáo La Mã (Roman Catholic).
Có hai lý do khiến chúng tôi lấy quyết định tái bản tác phẩm Việt Nam Máu Lữa Quê Hương Tôi nầy của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu dưới dạng điện tử:
· Thứ nhất là vì nhu cầu tìm đọc tài liệu về chủ đề nầy không những đã không giảm bớt mà thậm chí còn gia tăng. Hơn 40 năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hơn 20 năm sau khi tác phẩm nầy ra đời, và sau hơn 20.000 ấn bản (dự đoán) được phổ biến cả ở trong lẫn ngoài nước, giai đoạn lịch sử 1954-1975 tại miền Nam Việt Nam (và những nhân vật lịch sử quan hệ đến nó) vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm muốn tìm hiểu. Để xem rút ra được những bài học gì cho bây giờ và mai sau trên quê hương Việt Nam.
· Và thứ nhì là với những thành quả ngoạn mục của cuộc cách mạng Tin học, tri thức không còn bị phong tỏa, lại càng không trở thành sản phẩm độc quyền của một giai tầng nào nữa. Do đó, sản phẩm trí tuệ cần được xuất hiện dưới dạng điện tử để dễ dàng vượt mọi biên giới thiên nhiên, rào cản hành chánh và giới hạn tiền bạc, ngõ hầu có thể bay vào không gian cyberspace mà đến với người đọc khắp địa cầu.
Nhóm Thân hữu của tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, khi hoàn thành ấn bản nầy, chỉ nhắm đáp ứng hai nhu cầu nói trên. Và đóng góp phần mình vào việc thực hiện tâm nguyện của tác giả đã được trang trải đầy ắp trong tác phẩm nầy.
Hoa Kỳ - Thu 2007
Nhóm Thân hữu trách nhiệm Ấn bản Điện tử VNMLQHT-2007