Trong chương trình giáo dục phổ thông thì việc quan trọng nhất là việc giáo dục đạo đức, nhân cách, tác phong, thói quen để làm nền tảng cho phương pháp luận tư duy, sự phát triển tư duy, và hình thành thói quen hoạt động tập thể.
- Các bộ môn khoa học tự nhiên là để kích hoạt, rèn luyện và phát triển khả năng tư duy của não bộ, giúp học sinh biết phân tích một cách logic theo khoa học đối với các sự vật hiện tượng. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự chính xác như các công thức Toán - Lý - Hóa học. Đặt nền tảng cho sự phát triển tư duy khoa học, đồng thời cũng là để phát hiện ra những tài năng khoa học thiên bẩm. Các bộ môn khoa học tự nhiên nhằm để phát triển bán cầu não trái.
- Các bộ môn khoa học xã hội là để giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống, sự hiểu biết cuộc sống và quan hệ xã hội trong một phạm vi nhất định, phù hợp với tâm lý độ tuổi. Là trang bị, rèn luyện cho học sinh những bài học đầu tiên, đầu đời về việc làm một con người tử tế, hữu ích để làm hành trang cho cuộc sống sau này của các em trên bước đường đời. Các bộ môn khoa học xã hội nhằm để phát triển bán cầu não phải.
- Các bộ môn giáo dục công dân, quốc phòng, an ninh là để rèn luyện cho các em tính kỷ luật và sự hiểu biết về pháp luật.
Tóm lại, tôi có thể tạm thời phân chia 3 bộ phận của chương trình giáo dục phổ thông một cách tổng quát theo mục đích giáo dục như sau:
1. Giáo dục khoa học tự nhiên là việc đào tạo và rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích logic và khoa học của học sinh.
2. Giáo dục khoa học xã hội là việc giáo dục và rèn luyện, nuôi dưỡng, xây dựng, vun đắp cho trái tim, tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống, lý tưởng cao đẹp của học sinh.
3. Giáo dục công dân, quốc phòng, an ninh là để rèn luyện cho các em tính kỷ luật trong cuộc sống trong cộng đồng, xã hội và sự hiểu biết về pháp luật.
Bên cạnh đó, còn là xây dựng tính hợp tác, tính đoàn kết, tính tập thể trong quá trình học tập để tạo nên thói quen làm việc nhóm, làm việc tập thể, tạo nên ý thức, thói quen biết tôn trọng biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết sẻ chia với người khác, biết gắn kết và đoàn kết trong một khối thống nhất tạo ra sức mạnh tập thể: "Một người vì mọi người, mọi người vì một người"; "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Trong đó, việc cần phải chú trọng bàn bạc đó là việc giáo dục dạy và học các môn thuộc nhóm khoa học xã hội, bởi đây là nền tảng cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông nhằm đặt nền móng để xây dựng nhân cách cho mỗi cá thể, mỗi con người và cho toàn xã hội. Nếu có thời gian tôi sẽ xin được trình bày thiển ý của mình về vấn đề này để chia sẻ cùng quý bà con cô bác trên cộng đồng mạng xã hội. Tức là chúng ta sẽ đi vào thảo luận về mặt chuyên môn đối với từng bộ môn thuộc nhóm khoa học xã hội.
Tóm lại, việc cải cách, cải tiến giáo dục như thế nào thì cũng không thể xa rời những mục đích chuẩn mực, khoa học đó. Còn nếu cải cách, cải tiến mà biến chương trình giáo dục phổ thông trở thành áp lực và gánh nặng cả về tư duy lẫn thể chất cho học sinh thì đó là những việc làm phản khoa học, phi giáo dục.