Những mạng xã hội giúp hàng trăm triệu người thiết lập hoặc làm phong phú thêm các mối liên hệ xã hội nhưng liệu có nhốt giữa những mắt lưới của chúng, những cá nhân, những người trở thành tù nhân, thậm chí thành con nghiện?
Internet và mạng xã hội được coi như những cỗ máy ma quỷ nhanh chóng tạo ra sự phụ thuộc. Nỗi sợ kiểu này không có gì mới. Vào thế kỷ 18 từng có một nỗi lo sợ về nghiện sách ám ảnh các bậc cha mẹ giới trung lưu. Điều này được ghi lại trong đoạn trích dưới đây của mục sư Heinrich Zschokke (1821):
“Cơn sốt đọc là một sự tò mò không giới hạn, nhằm thỏa mãn tức thời đầu óc nhàn rỗi [của một cá nhân] bằng kết quả của trí tưởng tượng, hoặc bằng cách đọc tác phẩm của những tác giả khác. Người ta không đọc để làm giàu thêm kiến thức, mà đọc không phân biệt đúng sai, không vì hiểu biết, mà thuần túy vì tò mò. (…) Người ta đắm chìm trong sự nhàn rỗi của tâm trí, vừa dễ chịu lại vừa bận rộn, trải qua như một giấc mơ”.
Từ “mạng” hay “mạng lưới” vốn giàu sắc thái (vd: mạng lưới tội phạm, mạng lưới thần kinh [trong cơ thể], v.v.), ngày nay được dùng với nghĩa “một tập hợp các điểm liên kết với nhau”1 (Từ điển lịch sử về tiếng Pháp của Alain Rey, ấn bản Robert). Trong tiếng Pháp, từ “réseau” – “mạng lưới” có gốc từ “rets” (tương tự từ “net” – mạng trong tiếng Anh cũng có nghĩa đen là lưới), chỉ lưới để bắt chim, bắt cá hoặc những mánh lới để bắt giữ hoặc nắm lấy tinh thần của người khác. Lưới gồm nhiều mắt lưới kích cỡ khác nhau. Theo nghĩa hình tượng, nó chỉ sự cầm tù!
Như vậy, từ có vẻ kỹ thuật này sở hữu một sắc thái cảm xúc mạnh. Những mạng xã hội được kết nối nhờ Web2.0 giúp hàng trăm triệu người thiết lập hoặc làm phong phú thêm các mối liên hệ xã hội. Nhưng liệu mạng xã hội có nhốt giữa những mắt lưới của chúng, những cá nhân, những người trở thành tù nhân, thậm chí con nghiện của chúng, như nghĩa từ nguyên của từ “mạng lưới” ám chỉ? Liệu chúng có gây nghiện, hướng một số người bứt khỏi những hoạt động thường ngày của mình, như người ta từng lo ngại với việc đọc quá nhiều?