(TG&DT) - Cứ mỗi lần chúng tôi sử dụng con số thống kê Phật tử theo sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ”, tác giả Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương, nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, thì đều có bạn đọc chất vấn chúng tôi về tính chính xác của thông tin trong quyển sách nói trên.
Chất vấn mới đây của một bạn đọc qua điện thoại nêu nghi vấn về so sánh số lượng phật tử ở Bình Dương và TPHCM. Theo đó, bạn đọc nói trên cho rằng số nhà thờ ở TPHCM nhiều hơn ở Bình Dương, và như thế có thể số liệu mà tôi nêu ra trong bài viết liên hệ yêu cầu số người tham dự đại lễ Vesak 2014 tại TPHCM là không chính xác.
Tôi cũng không quả quyết những con số thống kê về tín đồ Phật giáo nêu trong sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009” là hoàn toàn chính xác, nhưng vẫn phải sử dụng số liệu từ sách nói trên, vì:
- Đó là kết quả thống kê của Nhà nước. có tính chất quan phương. Khi đặt ra bất cứ vấn đề gì mà phải liên hệ đến số liệu thống kê Phật tử, thì việc xuất phát từ thống kê nhà nước là điều bắt buộc. Trong bất cứ trường hợp nào, vẫn phải căn cứ vào thống kê do nhà nước chính thức công bố. Không có ngoại lệ để bỏ qua kết quả điều tra dân số chính thức do nhà nước công bố.
- Cho dù có thể có những số liệu thống kê khác đi nữa, nếu những số liệu thống kê có sai biệt lớn, thì người nghiên cứu nghiêm túc vẫn phải căn cứ vào số liệu do nhà nước công bố. Thí dụ, dù con số thống kê tín đồ Công giáo của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương có ít hơn so với con số do Giáo hội Công giáo Việt Nam đưa ra, thì khi nghiên cứu những vấn đề liên hệ nội dung thống kê trên vẫn không thể bỏ qua số liệu thống kê của nhà nước. Chính những tài liệu của Giáo hội Công giáo vẫn tuân thủ yêu cầu khoa học này. Họ cũng tham khảo số liệu thống kê của nhà nước, không bác bỏ.
- Số liệu thống kê phật tử từ sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009” là số liệu có được từ một cuộc điều tra được tổ chức quy mô và nghiêm túc. Trong cuộc điều tra này, người dân được khuyến khích kê khai chính xác về những nội dung yêu cầu. Đó là điều rất hiển nhiên. Nhà nước cần những kết quả thống kê chính xác làm cơ sở tin cậy để xây dựng chủ trương, chính sách, luật pháp, không phải cần những con số bịa ra theo ý muốn, hay thu thập thiếu cẩn thận.
- Những số liệu trong sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009” thực tế đã là căn cứ của Nhà nước, của các nước trên thế giới, của các tổ chức trong và ngoài nước trong quan hệ với Phật giáo. Chúng ta không thể bác bỏ những số liệu, mà trên thực tế, nhà nước, các nước, các tổ chức sử dụng để nghiên cứu về PGVN, trong đó, gồm cả việc dùng để xây dựng chính sách, chủ trương, ngoài việc tham khảo.
- Mặc dù có một số ý kiến phật tử bác bỏ số liệu thống kê, tín đồ phật tử từ sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ”, nhưng về mặt chính thức, GHPGVN không có ý kiến gì về số liệu phật tử trong tài liệu dẫn trên.
Vì thế, tuy có thể có nghi vấn về tính chính xác tuyệt đối của số liệu thống kê phật tử trong sách đã dẫn, chúng tôi khi viết bài vẫn căn cứ vào những số liệu từ sách đã dẫn.
Số liệu tín đồ Phật giáo trong sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ” có thể không tuyệt đối chính xác, những vẫn là con số ở mức chính xác nhất, khách quan nhất, có thể có hiện nay. Đó là do:
- Mục tiêu của cuộc “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009” là những số liệu chính xác.
- Cuộc tổng điều tra nói trên trong thực tế đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, bảo đảm.
- Thống kê về số lượng người theo đạo do một đơn vị ngoài tôn giáo đó tiến hành điều tra đương nhiên là khách quan hơn so với chính tôn giáo đó tự thực hiện điều tra số lượng tín đồ chính mình. Và lại càng khách quan hơn khi đơn vị điều tra là một cơ quan nhà nước chuyên trách.
- Các ý kiến nghi ngờ kết quả số lượng người theo đạo Phật toàn quốc và các địa phương từ sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ” chỉ đưa ra những nhận xét cảm tính, không định lượng, không đưa ra được căn cứ lượng hóa, nhất là khi đi vào trường hợp cụ thể ở các địa phương.
Sự thật, từ sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ”, lần đầu tiên, một con số tín đồ Phật giáo thấp chưa từng thấy đã được ghi nhận. Và tiếc rằng, đây lại là một con số chính thức, do cơ quan nhà nước chuyên trách điều tra công bố. Có lẽ, nhiều tăng ni phật tử không muốn thấy một con số quá ít như vậy. Nhưng đó vẫn là sự thật định lượng, rất cụ thể, đi vào chi tiết từng tỉnh, thành phố.
Dù là với lý do nào đó đi nữa, thì trên hết, bằng tinh thần chấn hưng Phật giáo, PGVN chúng ta phải thừa nhận sự thật đó, thực tế đó, số liệu đó. Sự thật, thực tế và số liệu, mà theo đó, PGVN đang thiểu số hóa, đang suy thoái, PGVN thiểu số, suy thoái không còn là nguy cơ, mà đã là một thực tế, một sự thật, với số liệu chi tiết từng tỉnh thành.
Vì PGVN suy thoái, thiểu số hóa, nên mới nói đến nhu cầu chấn hưng Phật giáo, đến mục tiêu chấn hưng Phật giáo. Nếu PGVN đang hưng thịnh, đang phát triển, thì việc gì phải hô hào, kêu gọi chấn hưng.
Vì thế, chấn hưng Phật giáo phải đi từ một thực tế, một sự thật, là những số liệu người theo đạo Phật xuống thấp đến mức chưa từng thấy đã được ghi nhận, một cách chính thức!