Năm 2005, nhà sử học, nhà báo Nick Turse đã hoàn thành quyển sách Kill Anything That Moves: U.S. War Crimes And Atrocities In Vietnam, 1965-1973 (Giết bất cứ thứ gì chuyển động: Tội ác chiến tranh tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam, 1965-1973), Đại học Columbia xuất bản. Sách được đánh giá cao trên văn đàn một thời. Sách đã đoạt giải thưởng Ridenhour của National Press Club vào năm 2009
Lần này, sách Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam (Giết bất cứ thứ gì chuyển động: Cuộc chiến thật sự của Mỹ ở Việt Nam) của cùng một tác giả, do Metropolitan Books mới xuất bản ngày 15 tháng 1, 2013, đã một lần nữa, đưa ra những hình ảnh chân thật đến trần trụi của quân đội Mỹ đối với người dân và đất nước Việt Nam. Tác phẩm này là một công trình phát triển từ quyển sách của tác giả năm 2005.
Trong tác phẩm mới, ông Nick Turse đã trích dẫn những hồ sơ của chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc cho thấy trong cuộc chiến ở Việt Nam, chính phủ Mỹ đã thi hành cuộc tàn phá hàng loạt vào con người và tài sản một cách có hệ thống trong suốt cuộc chiến.
Tiếp theo một số bài báo trước đây của Nick Turse, cuốn sách đưa ra những tư liệu cho thấy, những vụ hiếp dâm hàng loạt, tra tấn, xẻo thịt dân thường Việt Nam, trong đó có vụ thảm sát làng Mỹ Lai năm 1968 khiến hơn 500 dân thường bị giết, không phải là những hành động lầm lạc trong những giờ phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách cố sát và khủng bố có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ. Các cuộc thảm sát tương tự vụ ở làng Mỹ Lai không phải sự cố bất thường, mà là một trong các “chiến dịch” thực hiện thường xuyên theo chính sách của Mỹ.
Theo tài liệu mà Turse có được, Mỹ Lai là một chiến dịch, không phải sự lầm lạc. Không chỉ nghiên cứu qua hồ sơ, tài liệu, Turse còn phỏng vấn rất nhiều tướng lĩnh và quan chức dân sự cao cấp, các nhà điều tra tội phạm, cựu chiến binh từng chứng kiến hoặc phạm tội ác. Turse cũng đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn những người sống sót từ các cuộc thảm sát đó.
Quyển sách ngay từ chương 1 đã tường thuật từ thời kỳ quân đội Mỹ được huấn luyện ở các quân trường tại Mỹ (Fort Benning, Camp Lejeune, bang Georgia v.v.) thì tinh thần kỳ thị chủng tộc (như của tướng Douglas MacArthur) đã được nhồi nhét tối đa để giúp người tân binh Mỹ có thể giết kẻ thù – người Việt Nam – mà không hối tiếc hay ân hận. Cựu chiến binh Wayne Smith khi trả lời phỏng vấn của tác giả, đã kể lại rằng các huấn luyện viên quân đội không bao giờ gọi người Việt Nam là “Vietnamese”, thay vào đó là những chữ tiếng lóng hạ cấp như “dinks”, “gooks”, “slopes”, “slants”, những từ ngữ không còn mang ý nghĩa tượng trưng cho con người văn minh, hay thậm chí là những con người bình thường, mà là những ngôn từ miệt thị, lăng mạ, hàm ý khinh khi người Việt như một giống dân hạ đẳng, “man di mọi rợ”.
Trong vụ thảm sát Triệu Ái, khi trung úy Maynard quăng lựu đạn xuống hầm một căn nhà trong làng Triệu Ái, trung úy Bailey cho biết có con nít trong hầm ấy. Nhưng trung úy Maynard trả lời: “Kệ mẹ nó, rồi tụi đó lớn lên thì cũng trở thành Việt Cộng thôi.”
Tiếp theo một số tác phẩm trước đây của ông Nick Turse, cuốn Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam đã đưa ra những hồ sơ, tư liệu, dữ liệu cho thấy những vụ hủy diệt hàng loạt, dâm sát, tra tấn, cắt xẻo bộ phận cơ thể đối với các đối tượng dân thường Việt Nam từ nam đến nữ, từ bé đến già, từ cộng sản đến không cộng sản v.v. nhiều vụ không phải hành động lầm lạc trong những giây phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ thời đó. Cuộc thảm sát làng Mỹ Lai và nhiều cuộc thảm sát khác không phải là sự cố bất thường, mà là chiến dịch quân sự thực hiện theo chính sách quân sự Mỹ, nhằm khủng bố tinh thần và xóa trắng các pinkville (làng hồng), là những làng xã mà họ nghi ngờ là có giúp đỡ, tiếp tế cho quân kháng chiến. Khủng bố để răn đe “làm gương”, gieo rắc sợ hãi để người dân và các làng bên lấy đó “làm gương”, không còn dám nuôi giấu những người chống Mỹ.
Sau bao nhiêu phỏng vấn và tìm hiểu, ông đã cho biết: “Hàng trăm báo cáo mà tôi tập hợp được cùng với hàng trăm nhân chứng tôi từng phỏng vấn ở Mỹ và Đông Nam Á cho thấy một điều rõ ràng rằng, việc giết hại dân thường – dù một cách máu lạnh như ở Mỹ Lai hay một cách bàng quan vô cảm như ở Bình Long – đều rất phổ biến, diễn ra thường xuyên, và xuất phát từ chính sách chỉ huy của Mỹ.".
Đây là những lời bình tiêu biểu về quyển sách còn rất mới này của nhà báo kiêm sử gia Nick Turse, qua những lời bình của các nhà phê bình của Mỹ càng cho thấy rõ hơn các tội ác cố sát có hệ thống, theo chính sách của chính phủ Mỹ, gây ra bởi quân đội Mỹ ở Việt Nam.
Nhà báo Steve Weinberg bình luận trên báo Star Tribune:
Trong cuốn sách mới, “Giết mọi thứ di động” (Mới Xuất Bản Ngày 15-1-2013, Metropolitan Books), ký giả Nick Turse đã chứng minh, sau một thập niên khảo cứu về những điều khó chấp nhận, là không quân và lục quân Mỹ đã giết thường dân ở ngoài Bắc và ở trong Nam theo một chính sách lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Sự tàn sát các dân thường ở Mỹ Lai bởi lính Mỹ đã được quần chúng biết đến nhiều, nhờ phần lớn vào sự điều tra của ký giả Seymour Hersh. Nhiều độc giả tìm biết về cuộc chiến tranh Việt Nam tưởng rằng Mỹ Lai là một việc xảy ra đơn độc, phần lớn phạm phải bởi một sĩ quan trẻ tên là William Caley. Không hẳn vậy, Nick Turse đã chứng minh rằng Mỹ Lai là vụ điển hình cho nhiều vụ tàn sát như vậy, trong một số vụ những người bị tàn sát là trẻ con, người già và phụ nữ. Trước khi giết, bao giờ cũng là hãm hiếp, tra tấn nhiều cách khác nhau, mà không có một quân nhân nào bị trừng phạt….
Học giả, nhà văn Jonathan Schell đã viết trong bài How did the Gates of Hell open in Vietnam? (Cửa địa ngục đã mở ở Việt Nam như thế nào?) trên báo Asia Times:
Tỉ mỉ gắn kết lại với nhau từ những thông tin mới được giải mật, những hồ sơ tòa án binh, những phúc trình của Lầu Năm Góc, và những cuộc phỏng vấn trực tiếp ở Việt Nam và ở Mỹ, cũng như những tài liệu trên báo chí cùng thời và tài liệu phụ, Turse phát hiện ra những tình tiết về sự tàn phá, cố sát, thảm sát, hiếp dâm, và tra tấn mà một thời được coi như là những tội ác lẻ tẻ thật ra là chuyện thường xuyên, cộng với một luồng tàn bạo liên tục, bộc lộ, năm này qua năm khác, trên khắp đất nước đó.
Nhà văn Tim O’Brien bình luận trên trang Amazon:
Không có cuốn sách nào mà tôi đọc trong vài thập niên làm tôi run rẩy như vậy với tư cách là một người Mỹ. Turse phanh phui ra thực chất một cuộc chiến quá ư tàn bạo hơn là những điều mà những người Mỹ ở trong nước được quyền biết. Turse vạch trần ra những chính sách chính thức khuyến khích binh sĩ Mỹ và không quân giáng sự khủng khiếp và đau khổ không thể hình dung được xuống người dân thường Việt Nam, theo đó là những sự bưng bít chính thức cũng kiên trì như Turse đã kiên trì trong nỗ lực điều tra trong cả một thập niên để chống lại những sự bưng bít này. Cuốn “Giết mọi thứ di động” là cuốn những người Mỹ phải đọc, vì những hàm ý trong đó về mức độ tàn bạo và dân thường chết chóc giáng lên họ và sự bưng bít trong những cuộc chiến gần đây của chúng ta chắc chắn sẽ xảy ra và làm chúng ta sửng sốt.
Nữ nhà báo Frances FitzGerald bình luận trên trang Amazon:
Nick Turse đã làm hơn nhiều người khác để chứng minh, với tài liệu, điều rất hiển nhiên: Những sự tội ác tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam không phải là lẻ tẻ và tình cờ, mà là thường xuyên xảy ra khắp nơi và là kết quả không tránh được của chính sách quân sự của Hoa Kỳ.
Nữ giáo sư sử học Đại học New York Marilyn Young bình luận trên trang Amazon:
Cuốn sách của Nick Turse là một tài liệu căn bản, một tường trình hùng hậu và đầy xúc động đến ngay vào vùng tim đen của cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Sự tàn sát thường dân một cách có hệ thống, chứ không là một sơ xuất, là một thủ tục hành quân đúng tiêu chuẩn. Cho đến ngày nào bản tường trình lịch sử này được thừa nhận, chính sách này vẫn sẽ được tiếp tục dưới hình thức này hoặc hình thức khác trong những cuộc chiến mà nước Mỹ sẽ tiếp tục dính vào.
Giáo sư sử học Đại học Massachusetts Christian Appy bình luận trên trang Amazon:
Từ cuộc nghiên cứu trong hơn một thập niên trong những hồ sơ mật Lầu Năm Góc và những cuộc phỏng vấn sâu rộng các cựu quân nhân Mỹ và những người Việt sống sót, lần đầu tiên Turse vạch rõ là những chính sách của Mỹ đã đưa đến kết quả là hàng triệu người dân thường vô can đã bị giết và bị thương. Với những chi tiết gây sốc, Turse vạch rõ những hệ thống mặc định của cỗ máy quân sự Mỹ đã làm cho những tội ác trong những đơn vị chính của Mỹ không thể tránh được. Cuốn “Giết Mọi Thứ Di Động” đưa chúng ta đến từ văn khố ở Washington đầy những những hồ sơ về sự dẹp bỏ các cuộc điều tra những tội ác của lính Mỹ cho tới những thôn xã ở miền quê Việt Nam mà người dân gánh chịu trong cuộc chiến, từ những trại huấn luyện lính Mỹ trong đó những người lính trẻ được dạy để thù ghét mọi người Việt cho đến các chiến dịch khát máu như chiến dịch Speedy Express mà một vị tướng, ám ảnh bởi cách đếm xác chết đã dẫn binh lính phạm phải điều mà một quân nhân tham dự gọi là “mỗi tháng một Mỹ Lai”.
ẢNH: Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp này 16 tháng 3 năm 1968 ngay sau vụ thảm sát Mỹ Lai, hầu hết là phụ nữ và trẻ em chết trên đường
ẢNH: Bà Nguyễn Thị Tẩu (Chín Tẩu) chết sau khi bị bắn vào đầu