Mọi sự giải thích đều là sự thiên kiến, cũng xin mượn lời Lão Tử cho những lời giải thích này : « Đạo khả đạo đạo phi thường đạo ». Do vậy, như một con đò giúp qua sông, sự giải thích chỉ đem đến những gợi mở giúp người đọc tự mình, qua sự tìm tòi, qua trải nghiệm và chứng ngộ thực tiễn mà đạt đến sự hiểu của mình một cách sâu sắc nhất.
Mượn một hình ảnh trong vật lý phổ thông để bắt đầu cho sự giải thích. Khi ta muốn nói đoàn tàu đang chuyển động, ta phải chọn một cột mốc để thấy được sự di chuyển của đoàn tàu so với cái cột mốc đó. Chính nhờ cái « tĩnh » của cột mốc mà đoàn tàu mới « động » được. Nếu như ta đứng trên đoàn tàu đó, yên tại một vị trí, thì ta đang « tĩnh » tại để nhìn thấy mọi cảnh vật nơi đoàn tàu đi qua « động » - di chuyển so với ta. Tĩnh nhờ có động mới tồn tại, và ngược lại. Về cơ bản, hai trạng thái ấy là một, nhờ sự tách ra mới tạo thành « góc cạnh » để thúc đẩy sự phát triển được.
Nếu tất cả là tĩnh không thì mọi vật sẽ ngưng tụ lại tất cả, sự sống và phát triển, do vậy, sẽ không tồn tại nữa. Nếu tất cả là động không thì sẽ không thể xác định được ai ở đâu, như thế nào, mọi vật sẽ hỗn loạn, sự sống và phát triển, do vậy, sẽ không thể định hình được. Nhờ tĩnh, sự sống và phát triển gieo mầm, nhờ động mà lớn nên thành cây, kết thành hoa trái. Tĩnh như cái gốc rễ cho động hình thành và phát triển, động do vậy là hệ quả của tĩnh. Sự kết hợp từ sự phân chia tĩnh và động là hai mặt của một tiến trình phát triển.
Vậy, phân chia thành tĩnh và động có ý nghĩa như thế nào ? Thật khó có thể giải thích được hết, nhưng xin lấy một trường hợp để có thể từ đó mà ngẫm suy ra. Chúng ta đang sống trong một thời điểm lịch sử có những sự biến động nhanh, không ngừng, việc nhận thức được hiện trạng và dự báo được tương lai có ý nghĩa quan trọng cho sự sinh tồn, phát triển của mỗi cá nhân cũng như xã hội. Cặp đối lập tĩnh – động, có một vai trò quan trọng giúp chúng ta nhận thức được vấn đề này.
Nói xã hội biến động nhanh, không ngừng, đó là trạng thái « động » của hiện thực xã hội, nhưng có « động » ắt phải có « tĩnh ». Thường chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy « động » mà ít nhìn thấy « tĩnh », bởi trạng thái « động » nó cho ta những cảm giác trực tiếp, nhất thời, nhưng « động » so với « tĩnh » nào thì ít người nhận thức được rõ điều này. Cũng chính vì thế, chúng ta thường nói, thường nghĩ, thường thấy rằng chúng ta đang phải đối mặt với những biến động nhanh và không ngừng, nhưng biến động đó là như thế nào ? chúng ta phải đối mặt ra sao ? và nó có thể đưa đến những hệ quả gì ?.... thì lại rất ít có thể xác định được. Hiểu được quy luật vận động của tự nhiên – xã hội : « muốn động phải tĩnh, muốn tĩnh phải động » sẽ giúp chúng ta nhận thức được điều này một cách sáng tỏ hơn.
Khi cảm nhận thấy những biến động, chúng ta hiểu rằng sự biến động này không tự dưng, không lơ lửng, nó cần phải được « bắt rễ » trên một nền tảng tĩnh nào đó. Việc tìm hiểu cái nền tảng tĩnh này, giúp chúng ta nhận thức được bản chất của biến động đó là gì ? mức độ của nó ra sao ? và thậm chí dự báo được những hệ quả có thể của nó, dựa trên nền tảng tĩnh đó. Đồng thời, khi khắc chế sự biến động, ta lại dựa chính vào quy luật đó, biến cái động hiện thời thành tĩnh để tạo ra cái động mới, nhờ đó, ta tạo ra trạng thái tĩnh mới. Có một khái niệm khá phổ biến hiện nay « trạng thái bình thường mới » chính là một khái niệm điển hình giúp ta hiểu được quy luật này một cách rõ ràng.
Mâu thuẫn là cội nguồn và là động lực của mọi sự phát triển. Bản chất là không có không, không có có, nhờ có có mà có không, nhờ có không mà có có. Như thế võ khi ta muốn ra một đòn đấm có lực mạnh nhất thì tay luôn phải rút về sau để tạo ra thế năng lớn nhất, chân muốn trụ vững thì thế tấn luôn phải có trước, có sau, chân tấn, chân trụ. Vô chiêu cũng là một hình thức thể hiện của tĩnh – động, nhìn đối phương ra đòn mà đỡ và tấn công lại, sử dụng chính cái động của đối phương làm thế chủ động làm cho đối phương trở thành bị động - tĩnh, lấy cái tĩnh của ta nhờ thế mà ra đòn.